GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM NƯỚC TRONG NÔNG NGHIỆP

Nguồn nước sạch không phải là tài nguyên vô hạn. Điều này đã được chính con người thừa nhận từ lâu.Tình trạng xâm nhập mặn, sa mạc hóa và tàn phá rừng khiến nước sạch trong tương lại sẽ trở nên khan hiếm. Nhu cầu nước vẫn tiếp tục tăng cùng dân số thế giới sẽ khiến nghành nông nghiệp phải chuyển đổi phương thức thủy lợi. Con số thực tế về lượng nước sạch sử dụng trong nông nghiệp năm 2017 đã vượt mức 70% tổng tiêu thụ toàn cầu. Chúng ta cần phải có một giải pháp tiết kiệm nước phù hợp trong mọi hoàn cảnh sản xuất nông nghiệp.

HỆ THỐNG TƯỚI NHỎ GIỌT

Hệ thống tưới nhỏ giọt – giải pháp tiết kiệm nước hiệu quả

Hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp nước tưới trực tiếp cho rễ cây trồng, giảm thiểu khả năng nước bị bốc hơi một phần. Đây là vấn đề thường gặp của hệ thống tưới phun mưa khi mà lượng nước thất thoát do bốc hơi có thể lên tới 30%. Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt hợp lý cho nông trang có thể tiết kiệm lên tới 80% lượng nước tưới tiêu khi so với các phương pháp khác. Ngoài ra, hệ thống tưới nhỏ giọt đã được chứng minh là có khả năng tăng năng suất cho cây trồng nhờ việc kích thích bộ rễ của cây lan tỏa đều trong lòng đất và lấy được nhiều dinh dưỡng hơn.

Hệ thống tưới nhỏ giọt hiện nay đã được nhiều hộ nông dân ở Việt Nam áp dụng triển khai đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đào ao hồ tích trữ nước

Nhiều nông trại vừa và nhỏ ở Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước công và nước giếng khoan trong khi số khác có khoảng diện tích để xây ao hồ để sử dụng cả năm. Quy hoạch ao hồ không những có lợi cho hệ sinh thái mà còn hỗ trợ cắt giảm lượng nước khai thác từ nguồn nước công và giếng khoan. Các chuyên gia cho rằng, khai thác quá mức nguồn nước ngầm từ các giếng đào sẽ gây nhiều hệ lụy như sụt lún nền đất và ô nhiễm mạch nước ngầm.

Lên kế hoạch tưới tiêu

Kiểm soát nước tưới cho cây trồng bước đầu có thể hiểu là kiểm soát lượng nước tưới. Thế nhưng trong nông nghiệp hiện đại, kiểm soát nước tưới còn mang tính quyết định thời gian tưới, khi nào, bao nhiêu lần và bao nhiêu lâu. Để tránh việc tưới nước quá nhiều, nông dân phải nhờ sự trợ giúp của các trạm dự báo thời tiết, thu thập dữ liệu liên quan đến độ mặn, phèn, độ ẩm đất và không khí. Các trạm quan trắc hiện đại ngày nay cũng có thể kết nối với các thiết bị điện tử cầm tay qua bộ thu phát không dây hỗ trợ nông dân kịp thời điều chỉnh các hoạt động tưới tiêu cho thích hợp.

Tiết kiệm chi phí sản xuất

Đến nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 530 nghìn ha cây trồng cạn áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước. Tùy theo loại cây trồng và tùy theo địa phương, công nghệ này sẽ giúp tăng năng suất cây trồng từ 10 đến 50%; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua tăng mức độ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm từ 3 đến 60% và góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ 10 đến 30%, tăng thu nhập của người dân từ 10 đến 50%.

Cùng với đó là tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 10 đến 80%; có thể làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp/ha đến 50%; giảm mức độ thiệt hại, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp từ 5 đến 80%, giảm lượng phân bón từ 5 đến 40%. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn có gần 57 nghìn ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng. Khi được áp dụng công nghệ này, khả năng đậu quả cao, năng suất cũng tăng lên; đồng thời giúp giảm 20% lượng nước tưới, 25% chi phí lao động và tăng thu nhập khoảng 25%.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các vùng (chỉ đạt dưới 10% diện tích canh tác cây trồng cạn của cả nước). Nhận thức của một bộ phận cán bộ ở một số địa phương, người dân về vấn đề này còn hạn chế; số lượng doanh nghiệp quan tâm ứng dụng công nghệ này còn hạn chế…

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thành Long cho biết, “Đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 64.700 ha cây trồng các loại được nông dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như tưới phun mưa tại gốc, nhỏ giọt… trong đó có 57.500 ha cà-phê và hồ tiêu… Mặc dù công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mang lại nhiều lợi ích nhưng chi phí đầu tư còn khá cao từ 50 đến 80 triệu đồng mỗi ha; trình độ canh tác của nông dân chưa bắt kịp với yêu cầu của công nghệ; thiết bị khó bảo quản do nương rẫy xa; mạng lưới điện tại các khu vực trồng trọt còn khó khăn nên người dân chưa chủ động được nguồn điện sản xuất…”.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực áp dụng công nghệ cho các tổ chức, cá nhân, nghiên cứu quy trình công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho các cây trồng cạn chủ lực, có lợi thế, có thị trường theo vùng, miền; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, ứng dụng công nghệ vật liệu, kết cấu mới phù hợp để trữ nước tại chỗ, khai thác, sử dụng nước từ các công trình thủy lợi hiện có; nghiên cứu các giải pháp sử dụng nước sau công trình thủy lợi, thủy điện kết hợp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho vùng đồi núi, đất dốc…

Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn. Theo đó, đối với các xã và thôn, buôn vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống này, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha. Đối với địa bàn các xã, thôn, buôn còn lại được hỗ trợ 30% nhưng không quá 25 triệu đồng/ha… 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *